Nhảy Nhảy Nhảy
Phan_14
“Một tấm danh thiếp chỉ là mẩu giấy có in tên người,” tôi nói. “Nó không phải là bằng chứng. Chẳng chứng minh được điều gì.”
“Cũng không phải là không chứng minh được điều gì.” Anh ta tiếp tục gõ bút lên bàn. “Nhóm thu thập dấu vết của chúng tôi đang rà soát kỹ căn phòng. Người ta cũng đang tiến hành khám nghiệm tử thi. Ngày mai chúng ta sẽ biết nhiều hơn. Anh biết không, anh sẽ đợi kết quả cùng chúng tôi. Trong khi đó, anh nên bắt đầu nhớ lại các chi tiết khác. Việc đó có thể mất cả đêm đấy. Cứ từ từ, rồi anh sẽ thấy ngạc nhiên với những gì anh nhớ ra. Sao ta lại không bắt đầu lại từ đầu nhỉ? Anh đã làm gì khi thức dậy vào buổi sáng?”
Tôi nhìn đồng hồ trên tường. Năm giờ mười. Tôi chợt nhớ ra cuộc hẹn với Yuki.
“Tôi cần phải gọi cho một người trước, được chứ?” tôi nói với Ngư Dân. “Tôi có cuộc hẹn lúc năm giờ. Rất quan trọng.”
“Một cô gái?” Ngư Dân hỏi.
“Phải.”
Anh ta đưa điện thoại cho tôi.
“Chú đang định bảo cháu rằng có chuyện bất ngờ xảy ra và chú không thể đến được đúng không?” Yuki nói ngay lập tức, khiến tôi bất ngờ.
“Chuyện bất thình lình. Thật đấy,” tôi giải thích. “Chú rất xin lỗi, đó không phải lỗi của chú. Chú bị lôi xuống đồn cảnh sát Akasaka để thẩm vấn. Họ thẩm vấn hơi lâu nên chú chưa báo cho cháu được, có vẻ như họ định giữ chú khá lâu nữa.”
“Cảnh sát à? Chú đã làm gì?”
“Chú chẳng làm gì cả. Có một vụ giết người, và cảnh sát muốn nói chuyện với chú. Chỉ thế thôi.”
“Thật là rắc rối,” Yuki bình luận, không hề xúc động.
“Biết sao được.”
“Chú không giết ai đấy chứ?”
“Tất nhiên chú chẳng giết ai cả. Chú là kẻ vụng về, chứ không phải một tên giết người. Họ chỉ hỏi chú về sự việc đó thôi. Nhưng chú rất xin lỗi vì thất hẹn với cháu. Chú sẽ bù lại sau vậy nhé.”
“Thật rắc rối,” Yuki nói rồi dập ống nghe theo cách riêng của con bé.
Tôi đưa trả điện thoại cho Ngư Dân. Họ đã cố dỏng tai nghe, nhưng có vẻ như chẳng được gì. Nếu họ biết đó là một cô bé mười ba tuổi, chắc chắn rằng quan niệm của họ về tôi vẫn không thay đổi.
Họ buộc tôi phải rà soát lại những mốc chính trong thời gian biểu của tôi suốt ngày hôm trước. Họ ghi lại tất cả những gì tôi nói. Tôi đã đi những đâu, đã ăn những gì. Tôi còn cho họ biết cả cách nấu món konyaku mà tôi ăn vào bữa tối. Tôi cũng giải thích cả cách lạng mỏng thịt cá ngừ nữa. Họ không cho rằng tôi đang đùa cợt. Họ chỉ ghi lại tất cả. Xấp giấy dày lên nhanh chóng.
Sáu rưỡi họ gọi đồ ăn - quá mặn, ngậy mỡ, vô vị, thật tồi tệ nhưng cả ba chúng tôi đều hào hứng ăn. Sau đó tôi uống một tách trà ấm, trong khi họ hút thuốc. Sau đó cả ba quay lại với những câu hỏi và trả lời.
Tôi thay đồ ngủ lúc mấy giờ? Tôi đã đọc từ trang báo nhiêu đến trang bao nhiêu cuốn Vụ án? Tôi cũng cố kể cho họ nghe nội dung cuốn sách nhưng họ chẳng hứng thú chút nào.
Tám giờ tôi phải đi tiểu. Họ cho phép tôi đi một mình, thật là hạnh phúc. Tôi hít thật sâu. Toa lét không phải là nơi thích hợp để hít sâu, nhưng ít ra tôi vẫn còn thở được. Tội nghiệp Mei.
Khi tôi quay trở lại, Mọt Sách muốn biết về người đã gọi cú điện thoại duy nhất cho tôi tối đó. Anh ta là ai? Anh ta muốn gì? Tôi với anh ta có quan hệ gì? Tại sao tôi không gọi lại cho anh ta? Tại sao tôi lại nghỉ việc? Tôi không phải kiếm sống à? Tôi có khai thuế không?
Câu hỏi của tôi, câu mà tôi không hỏi họ, là: Có phải họ thực sự cho rằng cái mớ ấy là cần thiết? Không chừng họ đã đọc Kafka. Có phải họ đang cố gắng làm tôi lúng túng để phải nói sự thật? Vậy thì họ đã thành công rồi. Tôi rất mệt mỏi, rất căng thẳng, tôi trả lời bất cứ câu hỏi nào của họ với một bộ mặt vô cảm. Tôi đã có ấn tượng sai lầm là làm như thế sẽ khiến tôi ra khỏi đây nhanh hơn.
Đến mười một giờ, họ vẫn tiếp tục thẩm vấn. Và không tỏ ra muốn chấm dứt. Họ còn được lần lượt thay phiên, rời phòng thẩm vấn và ngủ một giấc ngắn trong khi người kia ở lại tiếp tục tra hỏi. Tôi thì không được cái vinh hạnh ấy. Thay vào đó, họ mời tôi uống cà phê. Cà phê hòa tan, có đường và bột sữa.
Mười một rưỡi tôi tuyên bố: “Tôi rất mệt và sẽ không trả lời bất cứ câu hỏi nào nữa”.
“Thôi nào, xin anh đấy,” Mọt Sách uể oải nói, gõ ngón tay lên bàn. “Nghe này, chúng tôi đã cố gắng làm nhanh hết mức, nhưng cuộc điều tra này rất quan trọng. Chúng ta có một xác chết, và tôi e rằng chúng ta phải cố đến cùng.”
“Tôi khó mà tin được là những câu hỏi này có thể đem lại điều gì quan trọng,” tôi nói.
“Những chi tiết vụn vặt đều có thể có ích. Anh sẽ ngạc nhiên khi biết bao nhiêu vụ đã được giải quyết nhờ những chi tiết vụn vặt như thế này. Những thứ có vẻ vụn vặt hóa ra lại không hề vụn vặt chút nào, nhất là khi chúng dẫn tới hành động giết người. Giết người không hề là chuyện vụn vặt. Hay là anh ở lại đây thêm ít lâu. Nói thẳng ra, nếu muốn, chúng tôi có thể chỉ định anh là nhân chứng trực tiếp và anh sẽ mắc kẹt ở đây đến khi nào chúng tôi muốn. Nhưng thủ tục đó đòi hỏi rất nhiều giấy tờ. Mọi việc sẽ bị gián đoạn. Đó là lý do tại sao chúng tôi rất nhũn nhặn với anh, đề nghị anh hợp tác thật nhẹ nhàng và dễ dàng. Nếu anh chịu hợp tác, chúng tôi sẽ không làm khó anh đâu.”
“Nếu anh thấy buồn ngủ, ở tầng dưới có một cái giường,” Ngư Dân nói. “Hãy chợt mắt vài tiếng, có thể anh sẽ nhớ ra điều gì đó.”
Được thôi, ngủ vài tiếng đồng hồ cũng tốt. Biết đâu lại hơn cái hang mù mịt khói thuốc này.
Ngư Dân dẫn tôi xuống một hành lang tối tăm, rồi tới một cầu thang thậm chí còn tối hơn, sau đó là một hành lang khác. Đây quả là điềm xấu. Thực tế, căn phòng kê giường là một buồng giam.
“Chỗ đẹp đấy, nhưng liệu tôi có thể ở chỗ nào nom tử tế hơn không?”
“Hết sức xin lỗi. Chúng tôi chỉ có thế này.” Sắc mặt Ngư Dân không chút thay đổi.
“Không đời nào. Tôi về nhà. Sáng mai tôi sẽ quay lại đây.”
“Đừng lo, chúng tôi không khóa anh ở trong đâu,” Ngư Dân nói. “Một phòng giam cũng chỉ là một căn buồng khi không khóa cửa.”
Tôi quá mệt nên không buồn cãi lại. Tôi đầu hàng. Tôi loạng choạng bước vào và ngã người xuống chiếc giường cứng. Mảnh chiếu ẩm, cái chăn rẻ tiền, mùi nước tiểu. Tởm thật.
“Tôi sẽ không khóa cửa,” Ngư Dân nhắc lại khi sập cửa, tạo ra một anh thanh lạnh và đanh.
Tôi thở dài và kéo chăn trùm đầu. Có ai đó ở nơi khác đang ngáy lớn. Âm thanh nghe tưởng như từ xa vọng lại, nhưng chắc hẳn là từ phòng bên cạnh. Rất khó chịu.
Nhưng Mei ơi, Mei! Em đã ở trong tâm trí tôi đêm qua. Tôi không biết lúc đó em còn sống không, nhưng em đã ở trong tâm trí tôi. Tôi từ từ lột quần áo em ra, và sau đó chúng ta làm tình. Buổi họp lớp nho nhỏ của chúng ta. Tôi cảm thấy rất thoải mái, như thể ai đó đã nới lỏng cái đinh vít chính của thế giới này. Nhưng bây giờ, Mei ạ, tôi chẳng thể làm gì được cho em nữa. Chẳng làm được gì nữa. Tôi xin lỗi. Cuộc sống của chúng ta mong manh quá. Tôi không muốn Gotanda dính scandal. Tôi không muốn hủy hoại hình ảnh của cậu ấy. Gotanda sẽ không nhận được thêm việc nào khác sau một vụ tai tiếng như vậy. Một công việc rác rưởi trong một thế giới rác rưởi của những hình ảnh rác rưởi. Nhưng cậu ấy tin tôi, với tư cách một người bạn. Cho nên đó là vấn đề danh dự. Nhưng Mei, Mei Chăn Dê bé nhỏ của tôi, chúng ta đã có quãng thời gian đẹp đẽ cạnh nhau. Nó thật tuyệt vời. Như một câu chuyện cổ tích. Có thể em không thấy thoải mái, nhưng tôi sẽ không bao giờ quên em. Xúc tuyết đến tận bình minh. Ôm chặt em trong thế giới của những hình ảnh, làm tình trên những khoản chi được khấu trừ thuế. Gấu Pooh và Mei Chăn Dê. Siết cổ là một cách thật đáng sợ để chết. Và em cũng không muốn chết, tôi biết. Nhưng giờ đây tôi chẳng thể làm gì cho em được nữa. Tôi chẳng biết thế nào là đúng, thế nào là sai. Tôi đang làm tất cả những gì có thể. Đây là cách tôi sống. Đó là cả hệ thống. Tôi cắn môi và làm những điều phải làm. Vĩnh biệt, Mei Chăn Dê bé nhỏ của tôi. Ít nhất là em không bao giờ còn phải thức dậy nữa. Chẳng bao giờ phải chết thêm lần nữa.
Ngủ ngon, tôi thốt lên thành tiếng.
Ngủ ngon, tâm trí tôi vọng lại.
Cúc cu, Mei hát.
22
Ngày hôm sau cũng không khác gì mấy. Buổi sáng ba chúng tôi tụ tập lại trong phòng thẩm vấn, lặng lẽ nhấm nháp bữa sáng với cà phê và bánh mì. Sau đó, Mọt Sách cho tôi mượn dao cạo điện, hơi cùn. Do không lường trước cần phải mang bàn chải đánh răng nên tôi đành súc miệng thật kỹ.
Sau đó lại bắt đầu những câu hỏi. Một kiểu tra tấn ngớ ngẩn và nhỏ mọn. Thẩm vấn diễn ra chậm chạp như sên đến tận trưa.
“Ừm, có lẽ đủ rồi đấy,” Ngư Dân nói, đặt bút trên bàn.
Như thể giao hẹn từ trước, cả hai gã cảnh sát cùng thở dài. Tôi cũng thở dài. Rõ ràng họ đang kéo dài thời gian, nhưng đương nhiên không thể giữ tôi ở đây mãi được. Tấm danh thiếp trong chiếc ví của một cô gái đã chết không đủ để làm bằng chứng bắt giam một người. Ngay cả khi tôi không có bằng chứng ngoại phạm. Họ muốn cầm chân tôi ở đây ít nhất cho đến khi dấu vân tay và kết quả khám nghiệm tử thi cho thấy những giả thuyết hợp lý hơn.
“Hừm”, Ngư Dân nói, vươn mình tự đấm mấy cái vào lưng. “Đến giờ ăn trưa rồi.”
“Hình như các anh đã hỏi xong rồi, nên tôi về đây.” Tôi bảo họ.
“Tôi sợ rằng anh không thể làm thế.” Ngư Dân nói với vẻ chần chừ giả tạo.
“Tại sao?” Tôi hỏi.
“Chúng tôi cần anh ký vào lời khai.”
“Tôi sẽ ký, tôi sẽ ký.”
“Nhưng trước hết hãy đọc một lượt để chắc chắn rằng nội dung là hoàn toàn chính xác. Từng từ một. Biết mình đang ký tên vào cái gì là việc hết sức quan trọng.”
Vậy nên tôi đành phải đọc bốn mươi trang biên bản kỳ lạ của cảnh sát. Tôi không sao tránh được ý nghĩ rằng, hai trăm năm nữa, những trang viết này sẽ có giá trị tái cấu trúc lại kỷ nguyên của chúng ta. Chi tiết đến bệnh hoạn, chính xác không hề sai sót. Một bằng chứng tuyệt vời để nghiên cứu. Thói quen hàng ngày của một anh chàng ba mươi tư tuổi, mức sống bình thường và cô đơn. Một đưa trẻ trong thời đại của anh ta. Việc đọc hết cả bản ghi này trong phòng thẩm vấn của cảnh sát thật vô cùng chán nản. Nhưng tôi đã đọc nó, từ đầu đến cuối. Giờ thì tôi có thể về nhà. Tôi vuốt thẳng xấp giấy và nói rằng mọi thứ có vẻ rất đúng thứ tự.
Nghịch chiếc bút trên tay. Ngư Dân liếc Mọt Sách, Mọt Sách lôi ra một điếu thuốc trong cái bao Hopes của anh ta đặt trên nóc lò sưởi, châm lửa và nhăn nhó hút. Tôi có dự cảm chẳng lành.
“Không đơn giản vậy đâu.” Mọt Sách nói với giọng chậm rãi của một kẻ chuyên nghiệp giải thích vấn đề cho dân ngoài nghề. “Anh thấy đấy, những lời khai đó phải do chính tay anh viết mới có giá trị.”
“Tự tay tôi?”
“Đúng thế, anh phải chép lại mọi thứ từ đầu đến cuối. Viết bằng tay. Nếu không thì nó không có giá trị pháp lý.”
Tôi nhìn xấp giấy. Tôi chẳng còn chẳng có sức để nổi giận nữa. Tôi những muốn tức lên, muốn nổi cơn thịnh nộ, muốn đập tay lên bàn và la hét, lũ các anh không có quyền làm thế này! Tôi muốn đứng lên và ra khỏi chỗ này. Và nói đúng ra, tôi biết họ cũng chẳng có quyền ngăn tôi lại. Đúng thế, nhưng tôi đã quá mệt. Quá mệt để nói được gì, quá mệt để phản kháng. Tốt nhất là tôi cứ làm những gì họ bảo tôi làm. Nhanh hơn và dễ dàng hơn. Mình càng ngày càng yếu đuối, tôi thú nhận với bản thân. Mình đang bị bào mòn và trở nên đớn hèn. Trước đây thì họ sẽ phải trói tôi lại. Cả thức ăn nhanh của họ, mùi khói thuốc và dao cạo cũng chẳng thể ảnh hưởng đến tôi. Càng già tôi càng yếu đuối.
“Không đời nào,” chính tôi cũng ngạc nhiên khi nghe mình nói thế. “Tôi về đây. Tôi có quyền về nhà. Các anh không thể ngăn cản tôi.”
Mọt Sách lắp bắp cái gì đó nghe không rõ. Ngư Dân nhìn không chớp mắt lên trần nhà và gõ bút lên bàn. Tép-tép-tép, tép-tép, tép-tép-tép.
“Anh đang khiến mọi việc rắc rối hơn,” Ngư Dân nói ngắn gọn. “Nhưng cũng tốt thôi, nếu mọi việc diễn ra như thế, chúng tôi sẽ làm một lệnh triệu tập. Và chúng tôi buộc anh ở lại đây để điều tra. Lần sau sẽ không giống như đi picnic như thế này đâu. Chúng tôi cũng chẳng ngại gì, anh biết mà. Làm thế cũng dễ dàng hơn cho chúng ta hơn. Đúng không nhỉ?” anh ta quay ngoắt sang hỏi Mọt Sách.
“Vâng thưa sếp, về lâu về dài sẽ dễ dàng hơn. Đó là việc chúng ta nên làm sớm. Cần phải làm một lệnh triệu tập,” anh ta tuyên bố.
“Cứ làm như ý các anh muốn,” tôi nói. “Nhưng từ nay cho đến khi lệnh triệu tập được đưa xuống, tôi hoàn toàn tự do. Lúc nào có lệnh triệu tập, các anh đã biết tìm tôi ở đâu rồi đấy. Chuyện khác tôi chẳng quan tâm nữa. Tôi đi đây.”
“Chúng tôi có thể tạm giam anh cho đến khi có lệnh triệu tập.”
Tôi suýt nữa thì bảo họ chỉ cho tôi xem người ta viết như thế ở chỗ nào trong bộ luật, nhưng bây giờ tôi thực sự không còn sức nữa. Tôi biết là họ đang bịa đặt, nhưng thôi kệ.
“Tôi đầu hàng. Tôi sẽ viết lại lời khai. Nhưng tôi phải gọi điện trước đã.”
Ngư Dân chuyển cho tôi điện thoại. Tôi quay số của Yuki.
“Chú vẫn đang ở sở cảnh sát,” tôi nói. “Có vẻ như việc này sẽ mất cả đêm. Chú đoán mình vẫn không thoát được trong ngày hôm nay. Xin lỗi cháu.”
“Chú vẫn ở trong xà lim à?”
“Thật rắc rối.” Lần này tôi nhại lại lời con bé.
“Như vậy là không công bằng,” con bé đáp.
“Cháu đang làm gì thế?”
“Chẳng có gì đặc biệt,” con bé nói. “Chỉ nằm, nghe nhạc, đọc tạp chí, ăn bánh kem. Đại để thế.”
Hai tay điều tra viên lại cố gắng nghe ngóng.
“Chú sẽ gọi cho chú ngay khi ra khỏi đây.”
“Nếu chú ra khỏi đó được,” Yuki nói thẳng thừng.
“Ồ, thôi được, đến giờ ăn trưa rồi,” Ngư Dân tuyên bố ngay khi tôi vừa gác máy.
Bữa trưa có soba, mì kiều mạch lạnh. Nấu quá chín và đã rữa. Thức ăn kiểu bệnh viện, đúng hơn là đồ ăn kiêng dạng lỏng. Mùi của những bệnh vô phương cứu chữa cứ lẩn quất đâu đó trong món ăn. Nhưng hai người kia vẫn ngốn sạch, và tôi làm theo họ. Để cho cái chỗ bột mì đó trôi được, Mọt Sách chiêu thêm rất nhiều nước trà ấm.
Buổi chiều trôi qua chầm chậm như thể một con sông chở nặng phù sa. Âm thanh duy nhất trong căn phòng là tiếng đồng hồ tích tắc. Điện thoại reng ở phòng kế bên. Tôi không làm gì khác ngoài việc viết, viết và viết. Trong khi đó hai gã cảnh sát thay phiên nhau nghỉ ngơi. Thỉnh thoảng họ ra hành lang mà thì thầm.
Tôi tiếp tục đẩy ngòi bút. Lúc sáu giờ mười lăm tôi quyết định nấu bữa tối, đầu tiên là lấy cái bánh khoai ra khỏi tủ lạnh….
Đến tối tôi đã chép được hai mươi trang. Cứ miết cây bút hàng giờ liền đúng là cực hình. Một việc hoàn toàn không nên làm thử. Cổ tay mỏi nhừ, cánh tay nặng trĩu. Ngón giữa bắt đầu run. Chỉ lơ đãng một giây thôi là chép sai từ. Khi đó, lại phải gạch bỏ và điểm chỉ vào lỗi đấy. Việc này có thể khiến một người phát điên. Và nó khiến tôi phát điên.
Bữa tối, chúng tôi lại ăn cơm hộp. Tôi chẳng ăn được mấy. Trà vẫn còn óc ách trong bụng. Tôi cảm thấy chóng mặt, mất hẳn cảm giác mình là ai. Tôi vào toilet và nhìn vào gương. Chẳng thể nhận ra mình nữa.
“Có thêm phát hiện gì không?” tôi hỏi Ngư Dân. “Vân tay hay dấu vết hay kết quả khám nghiệm tử thi?”
“Chưa đâu,” anh ta nói. “Những thứ đó cần có thời gian.”
Tôi tiếp tục đến mười giờ. Chỉ còn năm trang nữa, nhưng tôi đã đến giới hạn cuối cùng. Tôi không thể viết nổi nữa và đành bảo họ như vậy. Ngư Dân dẫn tôi đến xà lim và tôi ngủ ngay lập tức.
Đến sáng, lại là dao cạo điện, cà phê và bánh mì. Năm trang cũng mất hai tiếng đồng hồ. Tôi ký và điểm chỉ vào từng trang một. Sau đó, Mọt Sách kiểm tra một lượt.
“Tôi đi được chưa?” tôi hỏi với vẻ mong đợi.
“Nếu anh trả lời thêm một số câu hỏi nữa, đương nhiên, anh có thể đi,” Mọt Sách nói.
Tôi thốt ra một tiếng thở dài. “Vậy các anh định bắt tôi làm thêm việc bàn giấy đúng không?”
“Tất nhiên,” Mọt Sách trả lời. “Đây là thủ tục hành chính. Giấy tờ là tất cả mọi thứ. Nếu không có chữ viết tay và dấu tay của anh, chúng chẳng có giá trị gì.”
Tôi day day ngón tay vào thái dương. Tôi cảm thấy như thể có cái gì đó lùng bùng ở bên trong. Như thể thứ gì đó đã xâm nhập vào não tôi và căng phồng lên hết cỡ đến nỗi không thể lấy ra được nữa.
“Việc này không lâu đâu. Nó sẽ qua trước khi anh kịp nhận ra.”
Thêm những câu trả lời ngớ ngẩn cho những câu hỏi ngớ ngẩn. Sau đó, Ngư Dân gọi Mọt Sách ra hành lang. Hai người thì thầm một lúc, tôi cũng chẳng để ý là bao lâu nữa. Tôi ngả người ra ghế và nghiên cứu hình thù những mảng nấm mốc trên trần nhà. Mảng màu đen trông giống hình ảnh của vùng lông mu của các xác chết. Nó trải dọc theo những vết nứt trên tường như một bức tranh được nối từ nhiều điểm lại với nhau. Nấm mốc thấm đẫm mùi cơ thể của những kẻ đáng thương bị tống vào gian phòng này trong bao thập kỷ qua. Từ những nỗ lực mang tính hệ thống nhằm hủy hoại niềm tin, nhân phẩm và ý thức về cái đúng sai của con người. Từ sự đàn áp về tin thần dẫn đến tình trạng bất ổn của con người và để lại những vết sẹo không nhìn thấy được. Tại một nơi tách rời khỏi ánh sáng và không được ăn uống tử tế, ta sẽ rơi vào tình trạng không kiểm soát được. Nấm mốc.
Tôi đặt cả hai tay lên bàn và nhắm mắt, nghĩ về cảnh tuyết rơi ở Sapporo. Khách sạn Cá Heo và cô bạn lễ tân đeo kính của tôi. Giờ cô sao rồi? Đứng đằng sau quầy lễ tân, nhấp nháy nụ cười chuyên nghiệp của cô ư? Tôi rất muốn gọi cho cô ngay. Nói với cô những câu đùa ngớ ngẩn. Nhưng tôi thậm chí còn không biết cả tên cô. Tôi thậm chí còn không biết cả tên cô.
Cô thật sự rất dễ thương. Nhất là khi cô bận việc. Thấm đẫm cái tinh thần không thể định nghĩa được của khách sạn. Cô yêu công việc của mình. Không giống như tôi. Tôi chưa bao giờ thích thú với việc mình làm. Tôi làm việc rất tốt, nhưng lại chưa bao giờ yêu công việc của mình. Khi không làm được việc, cô trở nên dễ tổn thương, yếu đuối và mong manh. Tôi đã có thể ngủ với cô nếu muốn. Nhưng tôi đã không làm vậy.
Tôi muốn nói chuyện với cô lần nữa.
Trước khi cô bị ai đó giết.
Trước khi cô biến mất.
23
Hai điều tra viên trở lại phòng thẩm vấn và thấy tôi vẫn đang ngơ ngẩn nhìn đám nấm mốc. Cả hai không ngồi xuống.
“Anh có thể về nhà,” Ngư Dân nói với tôi, nét mặt vô cảm. “Rất cảm ơn sự hợp tác của anh.”
“Chúng tôi không hỏi gì nữa. Anh xong việc rồi,” Mọt Sách nói thêm.
“Tình hình đã thay đổi,” Ngư Dân nói. “Chúng tôi không thể giữ anh ở đây lâu hơn được nữa. Anh có thể đi đâu tùy thích. Một lần nữa, cảm ơn anh.”
Tôi đứng lên khỏi ghế và mặc cái áo khoác nồng nặc mùi khói thuốc vào. Tôi không đoán ra được có việc gì đã xảy ra, nhưng tôi rất vui vì được cuốn gói khỏi chốn này. Mọt Sách dẫn tôi ra cửa.
“Nghe này, chúng tôi biết anh trong sạch từ tối hôm qua,” anh ta nói. “Chúng tôi đã có kết quả từ nhân viên pháp y và từ phòng thí nghiệm. Anh trong sạch. Hoàn toàn trong sạch. Nhưng anh đang che giấu gì đó. Anh đang tự cắn vào lưỡi mình đấy. Đọc vị anh không phải chuyện khó khăn gì. Đó là lý do chúng tôi giữ anh lại, cho đến khi anh nói ra điều gì đó. Anh biết cô gái đó là ai. Chỉ là anh không muốn nói cho chúng tôi biết. Vì lý do nào đó. Anh nên biết đây không phải một trò chơi. Chúng tôi sẽ ghi nhớ điều này.”
“Xin lỗi, nhưng tôi không biết anh đang nói gì,” tôi đáp.
“Có lẽ chúng tôi sẽ gọi lại cho anh,” anh ta nói, và cào que diêm vào gốc móng tay. “Và nếu chúng tôi phải làm thế, chúng tôi chắc chắn sẽ khai thác anh thật triệt để. Chúng tôi nắm quyền kiểm soát mọi việc và luật sư của anh chẳng thể can thiệp được cái quái gì đâu.”
“Luật sư?” tôi hỏi, với vẻ hoàn toàn vô tội.
Nhưng lúc đó anh ta đã biến vào trong tòa nhà. Tôi bắt taxi về nhà.
Tôi vào bồn tắm ngâm mình thật lâu. Tôi đánh răng, rửa mặt, cạo râu. Tôi không thể rửa sạch cái mùi khói thuốc trên người. Thật là một nơi tởm lợm!
Để thay đổi không khí, tôi luộc vài cây súp lơ rồi nhắm với bia. Tôi bật đĩa của Arthur Prysock với phần hòa tấu của dàn nhạc Count Basie. Một bản thu vô cùng tuyệt vời. Tôi mua cách đây mười sáu năm. Từ ngày xửa ngày xưa.
Sau đó tôi đi ngủ. Chỉ là một giấc ngủ ngắn đủ để nói rằng ta đã trở về từ đâu đó, có lẽ khoảng ba mươi phút. Khi tôi tỉnh giấc, đã là một giờ chiều. Thời gian tĩnh lặng nhất trong ngày. Tôi gói ghém đồ dùng, ném vào chiếc Subaru và lái tới bể bơi Sendagaya. Sau một giờ bơi, tôi như cảm thấy mình đã trở lại là người. Và tôi cảm thấy đói.
Tôi gọi Yuki. Khi tôi nói với con bé là đã được thả, nó tặng tôi một câu nghe rất sành sỏi: Tuyệt thật. Cả ngày con bé mới chỉ ăn hai chiếc bánh kem, gọi là cho có thức ăn trong bụng, tuân thủ chế độ ăn toàn đồ ăn nhanh của mình. Tuy nhiên, nếu tôi đến chỗ nó bây giờ, con bé sẽ sẵn sàng đợi tôi, và có vẻ rất hài lòng nữa.
Tôi lái chiếc Subaru qua khu vườn bao quanh đền thờ Meiji, xuôi xuống đại lộ ở phía trước viện bảo tàng nghệ thuật có hàng cây hai bên, và rẽ ở Aoyama-Itchome về phía đền thờ Nogi. Thời tiết đang dần chuyển sang xuân. Trong hai ngày tôi ở trong sở cảnh sát Asakasa, trời đã lặng gió hơn, lá cây xanh hơn, ánh nắng dìu dịu ngập tràn khắp nơi. Ngay cả những tiếng ồn trong thành phố nghe cũng dễ chịu như tiếng kèn flugelhorn của Art Farmer. Mọi thứ vẫn hoạt động trơn tru còn tôi thì đang đói. Áp lực đã từng đè nặng lên hai thái dương tôi đã biến mất một cách kỳ diệu.
Yuki mặc áo rét chui đầu in hình David Bowie, bên ngoài khoác áo da màu nâu. Chiếc túi đeo bằng vải bạt của con bé chắp vá đầy hình ảnh của Stays Cars, Steely Dan và những chiếc huy hiệu Culture Club. Một sự kết hợp kỳ lạ, nhưng tôi là ai để nói thế cơ chứ?
“Ở với cảnh sát vui chứ chú?” Yuki hỏi.
“Chỉ khủng khiếp trở đi,” tôi nói. “Như Boy George hát ấy.”
“Ồ,” con bé thốt lên, chẳng buồn ấn tượng với câu nói thông minh của tôi.
“Nhớ nhắc chú mua cho cháu chiếc huy hiệu Elvis để cho vào bộ sưu tập nhé,” tôi nói, chỉ vào chiếc túi của con bé.
“Ngớ ngẩn,” con bé nói.
Chúng tôi đến một nhà hàng ăn sandwich bò nướng và xa lát. Tôi bắt con bé uống được một cốc sữa. Tôi không uống sữa, thay vào đó là cà phê. Thịt rất mềm và ngon khi ăn kèm với rau cải ngựa. Vô cùng thoải mái. Thế này mới là ăn chứ.
“À, giờ chúng ta đi đâu nhỉ?” tôi hỏi Yuki.
“Tsujido,” con bé nói không chần chừ.
“Chú thì chẳng sao,” tôi nói. “Chúng ta sẽ đến Tsujido. Nhưng có gì ở Tsujido chứ?”
“Papa sống ở đó,” Yuki nói. “Ông ấy muốn gặp chú.”
“Gặp chú?”
“Vâng. Chú đừng lo, ông ấy không phải người xấu đâu.”
Tôi uống tách cà phê thứ hai. “Cháu biết là chú không bao giờ có ý nói ông ấy là người xấu. Nhưng dù sao thì, tại sao bố cháu lại muốn gặp chú? Cháu kể với ông ấy về chú à?”
“Tất nhiên rồi. Cháu gọi cho ông ấy kể việc chú giúp cháu trở về từ Hokkaido, rằng chú bị cảnh sát bắt và có thể không bao giờ được thả ra. Thế là bố đã nhờ một trong những người bạn luật sư của ông ấy tìm hiểu về chú. Ông ấy giao du rất rộng. Bố cháu thực tế vậy đấy.”
“À ra thế,” tôi nói. “Hoá ra là vậy.”
“Thỉnh thoảng ông ấy rất có ích.”
“Chú cũng nghĩ thế.”
“Bố nói cảnh sát không có quyền giữ chú lại như thế. Nếu chú không muốn ở đó, chú có quyền đi. Điều đó hợp pháp.”
“Chú cũng biết thế,” tôi nói.
“Vậy tại sao khi ấy chú không về luôn? Chỉ việc đứng lên bảo họ, Tôi đi đây. Tạm biệt.”
“Đó là một câu hỏi khó,” tôi nói sau vài giây suy nghĩ. “Có lẽ chú muốn tự trừng phạt mình.”
“Chẳng bình thường chút nào,” con bé nói, đưa tay chống cằm.
Chiều đã muộn, đường đến Tsujido vắng tanh. Yuki mang theo một túi đầy băng cassette. Một tuyển tập đầy đủ dành cho những chuyến đi, từ “Exodus” của Bob Marley cho đến “Mister Roboto” của Styx. Một số bài rất hay, số khác thì chẳng ra sao. Chẳng khác gì cảnh vật hai bên đường. Mọi thứ trượt nhanh về phía sau. Yuki ngồi sâu vào trong ghế im lặng nghe nhạc. Con bé đeo chiếc kính râm tôi đặt sẵn trên bảng đồng hồ tốc độ, nó còn châm một điếu Virginia Slim. Tôi tập trung lái xe. Cẩn thận vào số, mắt dán vào con đường trước mặt, để ý từng biển báo giao thông.
Tôi ghen tị với Yuki. Con bé ngồi đó, mới mười ba tuổi, và mọi thứ đối với nó, kể cả sự đau khổ, đều có vẻ tuyệt vời, nếu không thì ít nhất cũng là mới mẻ. Âm nhạc, nơi chốn và những con người. Thật khác so với tôi. Thật ra mà nói, tôi cũng đã từng như con bé, nhưng hồi ấy thế giới đơn giản lắm. Tôi có những thứ tự lao động làm ra, ngôn từ có ý nghĩa riêng của chúng, vạn vật đều có vẻ đẹp. Nhưng tôi không hạnh phúc. Tôi là một đứa trẻ không thể chịu đựng nổi trong một thời đại không thể chịu đựng nổi. Tôi từng luôn muốn được ở một mình, cảm thấy dễ chịu khi ở một mình, nhưng chưa từng có cơ hội ấy. Tôi bị khóa chặt trong hai cái khung, gia đình và trường học. Tôi thích một cô gái, nhưng lại chẳng biết nên làm gì. Tôi không biết tình yêu có ý nghĩa gì. Tôi kỳ dị và khép kín. Tôi muốn phản kháng giáo viên và bố mẹ, nhưng lại không biết phải làm thế nào. Tôi làm gì cũng hỏng. Trái ngược hẳn với Gotanda.
Nhưng cho dù vậy, vẫn có những lúc tôi nhìn ra được sự tươi mới và đẹp đẽ. Tôi từng có thể ngửi thấy mùi không khí, từng thích nhạc rock ‘n’ roll. Những giọt nước mắt từng rất ấm áp, những cô gái từng xinh đẹp như mơ. Tôi từng thích rạp chiếu phim, bóng tôi và sự gần gũi, và tôi thích những đêm hè buồn đến sâu thẳm.
“Này,” tôi nói với Yuki. “Cháu kể cho chú về người đàn ông trong bộ lốt cừu đó được không? Cháu gặp ông ta ở đâu? Và sao cháu biết rằng ông ta cũng từng gặp cả chú nữa?”
Con bé nhìn tôi, đặt cặp kính lên bảng điều khiển và nhún vai. “Được thôi, nhưng trước tiên, chú có trả lời câu hỏi của cháu không?”
“Chắc là có chứ,” tôi đồng ý.
Yuki ngâm nga theo một bài hát nặng đầu của Phil Collins một lúc, rồi nhặt kính râm lên mà nghịch. “Chú có nhớ những gì chú nói sau khi chúng ta từ Hokkaido trở về không? Rằng cháu là cô gái xinh nhất chú từng hẹn hò ấy?”
“Ừ.”
“Có thật là chú nghĩ thế không? Hay là chú chỉ cố làm cháu thích chú? Nói thật đi.”
“Thật lòng đấy, đó là sự thực,” tôi nói.
“Đến giờ chú đã hẹn hò với bao nhiêu cô rồi?”
“Chú chưa từng đếm.”
“Hai trăm?”
“Ồ, thôi nào,” tôi cười. “Chú không phải loại người như thế. Chú cũng hẹn hò nhiều, nhưng không nhiều đến thế đâu. Nhiều nhất là mười lăm thôi.”
“Chỉ thế thôi à?”
Tôi gật đầu. Chắc hẳn con bé thấy khó hiểu.
“Mười lăm ư?”
“Khoảng đó,” tôi nói. “Nhiều lắm thì cũng không quá hai mươi đâu.”
“Hai mươi ư?” Yuki thở dài thất vọng. “Nhưng trong số họ, cháu là người xinh nhất à?”
“Đúng, cháu là người xinh nhất,” tôi nói.
“Chú không thích con gái xinh đẹp à?” Con bé hỏi trong lúc châm điếu Virginia Slim thứ hai. Tôi thấy một cảnh sát đứng ở ngã tư trước mặt, liền giật điếu thuốc khỏi tay con bé mà ném ra cửa sổ.
“Chú đã hẹn hò với vài cô xinh đẹp rồi,” tôi tiếp tục. “Nhưng không ai trong số họ xinh bằng cháu. Thật đấy. Cháu có thể nghĩ chú nói dối. Nhưng cháu xinh đẹp theo cách khác. Không giống phần lớn những cô gái. Nhưng xin cháu, đừng có hút thuốc trong xe, được chứ? Sẽ ám đầy mùi trong xe. Chú không muốn cảnh sát nhúng mũi vào đâu. Thêm nữa, cháu không biết những cô gái hút thuốc quá nhiều khi còn trẻ sẽ rất dễ bị rối loạn kinh nguyệt à?”
“Tha cho cháu đi,” con bé gào lên.
“Nào bây giờ kể cho chú nghe người đàn ông trong lốt cừu đi,” tôi nói.
“Người Cừu ư?”
“Sao cháu biết tên ông ta?”
“Chú đã nói tên ông ta qua điện thoại. Người Cừu.”
“Chú nói à?”
“Vâng.”
Lưu địa chỉ wap để tiện truy cập lần sau. Từ khóa tìm kiếm: chatthugian